“Châu Á là nơi kinh tế phát triển. Nếu bạn muốn trở thành một lãnh đạo doanh nghiệp trong vòng 10 hoặc 15 năm tới thì việc hiểu môi trường kinh doanh tại châu Á là điều rất quan trọng…”- Ông Lee, quản lý tại Microsoft nói về quyết định học MBA tại Singapore.
Khi William Lee, quản lý tại tập đoàn Microsoft, quyết định tìm kiếm sự thăng tiến trong nghề nghiệp bằng cách lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh, ông đã đăng ký một chương trình học quản trị liên kết đào tạo tại Singapore, do trường kinh doanh Anderson thuộc ĐH California ở Los Angeles (UCLA) và ĐH quốc gia Singapore tiến hành.
Ông Lee, 37 tuổi, sinh sống tại bang Nevada và công việc của ông hoàn toàn tại Mỹ. Vào tháng 8 – thời điểm tốt nghiệp, ông Lee bay tới châu Á 4 lần trong hơn 15 tháng để kiếm một bằng cấp mà ông dễ dàng có được tại quê nhà.
Ông Lee cho rằng việc đi lại rất có ích. Bằng cách này, ông có thể học hỏi những kinh nghiệm tại châu Á để giúp ích cho công việc về sau.
Quản lý của Microsoft nói: “Đó là nơi kinh tế phát triển. Nếu bạn muốn trở thành một lãnh đạo doanh nghiệp trong vòng 10 hoặc 15 năm tới thì việc hiểu môi trường kinh doanh tại châu Á là điều rất quan trọng… Tôi đã tới đó để nghiên cứu, quan sát môi trường kinh doanh và gặp các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Á”.
Các trường kinh tế tại Mỹ và châu Âu – đã mở rộng sang châu Á trong vài năm qua để bắt kịp với nhu cầu đang lên của ngành học quản lý – bắt đầu nhận thấy một nhu cầu mới từ các khách hàng đáng ngạc nhiên: sinh viên từ chính bản địa.
Một số các trường kinh doanh hàng đầu, bao gồm ĐH Kinh doanh Chicago, ĐH Quản lý Kellogg hay trường Instead của Pháp, đã xây dựng khu trường sở hoặc liên doanh chương trình đạo tạo thạc sĩ (MBA) với các trường địa phương tại châu Á nhằm đáp ứng nhu cầu từ sinh viên nội địa và người nước ngoài đang làm việc trong khu vực. Khi các nền kinh tế bùng nổ của châu Á xâm nhập toàn cầu, dẫn đầu là Ấn Độ và Trung Quốc, sinh viên kinh doanh từ khắp nơi trên thế giới đã hăng hái tới châu Á để nộp đơn xin học. Những trường trên nhận sinh viên đến từ những nơi rất xa nhưLondon và Los Angeles.
Judy Olian, hiệu trưởng trường kinh doanh Anderson nói: “Những sinh viên này muốn tới châu Á mặc dù họ hiện họ không làm việc tại đó. Họ nhận thấy khuynh hướng trong kinh doanh đang yêu cầu sự hiểu biết đáng kể về châu Á”. Trong một lớp học khai giảng vào tháng 5 vừa rồi theo chương trình của UCLA tại Singapore, có tới 48% sinh viên theo học là người Mỹ, tăng 29% so với tháng 5/2004.
Số lượng các sinh viên theo học MBA tại châu Á gia tăng đã tạo niềm tin khiến các trường kinh doanh quyết định chính họ cũng phải tới châu Á. Trong gần một thập kỷ, các trường kinh tế Mỹ và châu Âu đã vật lộn với việc làm thế nào để đáp ứng nhu cầu bùng nổ tại khu vực. Trong khi một số trường “cày cuốc” tại châu Á thì các trường khác vẫn kìm nén, lo ngại rằng việc chào mời một bằng cấp vệ tinh có thể ảnh hưởng tới thương hiệu mạnh của các bằng cấp được đào tạo tại Mỹ.
Krishna Pelapu, hiệu trưởng phụ trách phát triển quốc tế của đại học kinh doanh Harvard nói: “Khi châu Á và các thị trường quốc tế khác trở nên quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, tôi không tin là chúng ta có thể mở cơ sở đáp ứng nhu cầu của một chi nhánh chính thức ở nước ngoài với đầy đủ cam kết mà không mất đi trạng thái nguyên bản của loại hình đào tạo được chúng tôi đưa ra”. Harvard có hơn 200 giáo sư giảng dạy trọn tuần tại Mỹ với các khoá học kín mít, chính vì vậy ông Krishna Pelapu cho rằng, rất khó để thiết lập một chi nhánh ở nước ngoài có cùng tầm cỡ và chất lượng giảng dạy.
Ngược lại, các trường kinh tế khác tin rằng, họ có thể đẩy mạnh thương hiệu bằng việc chào mời các bằng cấp ở nước ngoài. Ví dụ như, ĐH Quản lý Kellogg đã mở một chương trình đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Hồng Kông thông qua sự cộng tác với Trường Quản lý và Kinh doanh thuộc ĐH Công nghệ và Khoa học Hồng Kông trong 10 năm. Kellogg cũng điều hành các chương trình đào tạo MBA liên doanh tương tự tại Israel, Canada và Đức.
Hiệu trưởng của Kellogg, ông Dipak Jain, cho biết thương hiệu của Kellogg một phần dựa vào chất lượng sinh viên mà trường đó tuyển chọn và chất lượng giảng dạy. Sinh viên được nhận tại những nơi như Hồng Kông phải có cùng tiêu chuẩn như sinh viên theo học chương trình tại khuôn viên của trường gần Chicago.
Vì những lý do liên quan tới đội ngũ giáo viên, Kellogg chỉ đưa ra những chương trình đào tạo MBA bán thời gian ở nước ngoài. Giáo sư của trường sẽ tới Hồng Kông trong các ngày cuối tuần và đảm nhiệm giảng dạy một nửa khoá học, các giáo sư của trường ở Hồng Kông sẽ đảm nhiệm một nửa còn lại. Ông Jain nói: “Chúng tôi chỉ cộng tác với những trường mà chúng tôi biết có các giảng viên giỏi – những người sẽ truyền đạt những kinh nghiệm quí báu”.
Ông Dipak Jain nói: “Chúng tôi nghĩ chất lượng các chương trình và thương hiệu của chúng tôi nhìn chung đã tăng lên, bởi chúng tôi có các chương trình tại châu Âu, châu Á và một chương trình mới tại Miami. Lấy ví dụ tại Hồng Kông, chúng tôi có các môn học về phát triển kinh doanh tại Trung Quốc; sinh viên trong chương trình của chúng tôi tại Đức, Chicago hoặc Tel Aviv có thể tới Hồng Kông và tham gia các môn học tự chọn. Hoặc họ có thể bay tới Hồng Kông và tham gia toàn bộ chương trình đào tạo MBA”.
Michael Hamelink, 39 tuổi, người Hà Lan, đã bay từ Johannesburg (Nam Phi) tới Singapore để tham gia chương trình đào tạo MBA của trường ĐH Chicago 5 năm trước. Hamelink nói: “Vào thời điểm tôi trở về Johannesburg từ Hong Kong, tôi đã ấn tượng trước những ảnh hưởng to lớn của châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, với nền kinh tế thế giới. Điều này đã khiến tôi tới Singapore để tìm hiểu châu Á”. Hamelink hiện là kế toán trưởng của KLM CityHopper, đại diện vùng cho hãng hàng không KLM tại châu Âu. Hamelink tiết lộ, anh muốn trở lại châu Á để làm việc trong vài năm tới, do đó những hiểu biết mà anh có được sau chương trình đào tạo MBA là rất có ích.
Hai trường Kellogg và Chicago thu lệ phí đào tạo MBA tại châu Á tương đương tại Mỹ cũng như các khu vực khác. ĐH California ở Los Angeles và ĐH quốc gia Singaporethu lệ phí với các chương trình tại Singapore thấp hơn so với tại Los Angeles. Phí đào tạo MBA tại Los Angeles vào khoảng 100.000 USD trong khi chương trình tại châu Á là 69.800 USD.
Nhưng đó là chưa kể chi phí đi lại. Chương trình học tại Singapore, bắt đầu từ năm 2004, chia thành 6 học phần tại những nước khác nhau: 2 học phần tại Singapore, một tại Trung Quốc, một tại Ấn Độ và 2 tại Los Angeles. Sinh viên phải tự túc tiền máy bay và tiền khách sạn trong 12 tuần của khoá học.
Khi tốt nghiệp, sinh viên nhận được 2 bằng, một từ ĐH California ở Los Angeles và một từ ĐH quốc gia Singapore.
Ông Lee, giám đốc quản lý của Microsoft cho biết, chi phí không phải là nhân tố khiến ông quyết định tới châu Á để học thạc sĩ quản trị kinh doanh. Ông nói: “Tôi chưa bao giờ tới châu Á trước chương trình này nhưng tôi biết bạn phải hiểu châu Á nếu bạn muốn có một vị trí lãnh đạo chủ chốt. Đó là nơi của sự phát triển, nhưng kinh tế Mỹ lại không phát triển như các nền kinh tế châu Á”.
VTH
Theo Wall Street Journal và Dân trí
Leave a Reply