Tỷ lệ nhận thấp nhất trong các trường đại học hàng đầu của Mỹ nhưng đó lại được coi là thành công trong công tác tuyển sinh, lý do ở đây là gì?
Trong số sinh viên đươc nhận năm nay có 10,5% đến từ các nước trên thế giới. Số sinh viên Mỹ gốc châu Á được nhận chiếm 19,7%, một tỷ lệ rất cao so với sinh viên gốc châu Phi hay gốc Latinh.
Trong đó, sinh viên Mỹ gốc Việt trúng tuyển vẫn chiếm khoảng 5% như mọi năm. Thế mạnh của Harvard nằm ở khả năng hỗ trợ tài chính cho sinh viên, ước tính năm nay có 65% số sinh viên được nhận hỗ trợ tài chính.
Trong số này, trung bình mỗi sinh viên chỉ phải đóng khoảng 12.000 USD/năm, trong khi tổng chi phí cho một năm học, bao gồm học phí, ăn ở cho một sinh viên là 58.607 USD.
Sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 65.000 USD/năm sẽ được miễn toàn bộ chi phí. Sinh viên thuộc gia đình có thu nhập trên 150.000 USD/năm cũng có cơ hội được miễn giảm học phí nếu như gia đình có khó khăn tài chính, có nhu cầu y tế gia đình, có nhiều con đang học đại học…
Mới đây, Ken Griffin, một cựu sinh viên của Harvard đã tặng số tiền 150 triệu USD cho quỹ hỗ trợ tài chính của trường. Đó cũng là quà tặng lớn nhất từ một cá nhân từ trước đến nay. Hiện tại, quỹ hỗ trợ tài chính cho sinh viên của trường đã vận động được 600 triệu USD so với mục tiêu đặt ra là quyên góp được 2,5 tỉ USD.
Không chỉ trông chờ vào danh tiếng lâu đời, hằng năm Trường Harvard còn đầu tư rất nhiều vào việc quảng bá, vận động, thu hút học sinh giỏi nộp đơn. Mỗi năm vào đầu niên học, Harvard chủ động gửi thư đến hơn 70.000 học sinh có số điểm kỳ thi SAT đạt mức xuất sắc.
Cứ mỗi mùa xuân và mùa thu, ban tuyển sinh của Harvard lần lượt đi đến hơn một trăm thành phố ở Mỹ để tìm kiếm nhân tài cho đợt tuyển sinh tới. Bên cạnh các thành phố trong nước, thành viên ban tuyển sinh còn đến nhiều thành phố ở châu Mỹ Latin, châu Á, Âu và cả châu Phi.
Sau khi đã có được danh sách sơ tuyển, những thành viên của ban tuyển sinh lập tức sàng lọc lại hơn 34 ngàn hồ sơ dự tuyển. Mỗi hồ sơ sẽ phải được cả sáu thành viên trong ban tuyển sinh xem xét kỹ lưỡng. Ngoài ra, các giáo sư của trường cũng được huy động vào việc chọn lọc số sinh viên có năng khiếu trong các ngành học.
Tiếp theo, danh sách ứng viên được gửi tới cho 15 ngàn cựu sinh viên, giáo sư Harvard ở khắp nơi trên thế giới. Những người này sẽ sắp xếp phỏng vấn từng ứng viên trong phạm vi địa phương của mình.
Mục đích là để tìm hiểu thêm về ứng viên: Gia đình, nhân thân, thành tích, nguyện vọng, ý chí… những điều mà hồ sơ tuyển sinh có thể chưa thể hiện hết. Các báo cáo (nhận xét và đánh giá) cho từng ứng viên sẽ được gửi về Hội đồng tuyển sinh. Phỏng vấn là một tiêu chí trong xét tuyển.
Qua tháng Hai mỗi năm, các hồ sơ dự tuyển sẽ được chia cho 20 phân ban tuyển sinh chia theo vị trí địa lý nước Mỹ. Sau đó, từng trường hợp dự tuyển sẽ được Hội đồng tuyển sinh đưa ra thảo luận. Trong quá trình thảo luận, các phân ban sẽ bình chọn và những hồ sơ nhận được số phiếu cao sẽ lần lượt được 35 thành viên trong hội đồng tuyển sinh xem xét. Quá trình này được lặp lại liên tục bởi một chuỗi các cuộc họp kéo dài trong hai tuần và kết thúc khi số hồ sơ được chọn lọc ngang với chỉ tiêu cần tuyển.
Cùng với các đại học danh tiếng của Mỹ, Harvard thông báo kết quả tuyển sinh đợt hai đến từng ứng viên vào cuối tháng Ba mỗi năm qua email và qua đường bưu điện. Một số nhỏ ứng viên hân hoan đón nhận niềm vui, phần lớn còn lại thấy ước mơ vào Harvard của mình vụt tắt. Còn 1% ứng viên nằm trong danh sách đợi với hy vọng mong manh.
Đến bước cuối cùng của kế hoạch tuyển sinh hằng năm, toàn bộ các giáo sư, cựu sinh viên và sinh viên của trường đều được huy động cho việc mời gọi các sinh viên tương lai chọn học ở Harvard thông qua các buổi gặp gỡ, trò chuyện.
Bên cạnh danh tiếng lâu đời, kế hoạch tuyển sinh công phu và chặt chẽ của Harvard là yếu tố khiến trường có mức sinh viên được chọn chính thức nhập học cao nhất nước Mỹ với tỷ lệ năm 2014 là 81%.
Trong khi đó, ở các trường danh tiếng khác như Yale hay Stanford, con số này chỉ đạt mức trên dưới 70%. Tại Mỹ, hầu hết học sinh giỏi đều nộp đơn vào năm đến mười trường đại học. Bên cạnh sự cạnh tranh khốc liệt giữa các học sinh để vào được những trường hàng đầu thì sự tranh giành học sinh giỏi giữa các trường cũng gay gắt không kém. Tuy Harvard luôn chiếm ưu thế nhưng hằng năm trường cũng chỉ giữ chân khoảng 80% số học sinh được nhận.
Hạn chót là ngày 1 tháng 5 mỗi năm, những sinh viên trúng tuyển sẽ xác nhận với trường quyết định cuối cùng của mình và đóng tiền cọc để trở thành thành viên của đại gia đình Harvard từ đấy.
Đường vào Harvard của sinh viên lắm gian nan và sự chọn lựa của ban tuyển sinh cũng khó khăn không kém. Phương ngôn tuyển sinh của Harvard là “Không chọn lầm người”. Nhưng ở đời việc gì có liên quan đến con người thì đạt mức tương đối là thành công lắm rồi.
* Tác giả là cựu thành viên ban tuyển sinh Đại học Harvard/DN SGCT/GDVN
Leave a Reply