Thời gian gần đây, phong trào đi du học Nhật Bản nở rộ, không chỉ ở các thành phố lớn mà kể cả các vùng nông thôn, đâu đâu cũng thấy quảng cáo du học Nhật Bản.
Những lời quảng cáo mà các trung tâm du học đưa ra đó là “làm thêm đủ trang trải học phí và chi phí sinh hoạt”. Việc sang du học Nhật đi làm thêm là mong muốn chính đáng của sinh viên và chính phủ Nhật cũng tạo điều kiện bằng cách cho phép sinh viên có thể làm thêm lên đến 28h/tuần (thu nhập 170,000VNĐ/giờ). Sinh viên có thể đi làm thêm ở các nhà hàng, quán ăn, bán hàng ở các shop, làm việc trong các nhà máy… Việc đi làm thêm đã giúp sinh viên có thêm thu nhập, nâng cao khả năng ngoại ngữ, giao tiếp và tiếp thu được kinh nghiệm.
Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, có rất nhiều sinh viên sang du học Nhật Bản với mục đích chính là làm thêm. Việc này đã tạo ra nhiều vấn đề phức tạp. Sinh viên mải miết đi làm, thậm chí bỏ trốn không học và sống bất hợp pháp để làm việc. Hiện tượng đánh nhau, ăn trộm đã xẩy ra làm xấu đi hình ảnh sinh viên Việt Nam trong mắt những nhà quản lý và người dân Nhật Bản. Điều đó cũng làm cho việc xin visa du học của du học sinh chân chính gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân là có rất nhiều công ty du học làm ăn không chân chính, mục đích là tuyển càng nhiều sinh viên càng tốt với những lời quảng cáo đường mật. Trên thực tế nếu sinh viên không có trình độ tiếng, không giỏi giao tiếp và kỹ năng thì khả năng xin được việc làm thêm cũng không cao. Việc đi làm thêm cũng không hề dễ dàng, nếu không tính toán kỹ bạn dễ dẫn đến “đứt gánh giữa đường”. Trước khi quyết định du học bạn nên tìm hiểu thật kỹ những chính sách, yêu cầu, điều kiện để lường trước được những khó khăn, tránh mắc vào “bẫy” của một số công ty du học.
Xem thêm: Cảnh giác với những “mánh khóe” của các Trung tâm tư vấn du học